15/9/09

BÀI PHẢN BIỆN Ở PHIÊN TÒA PHÚC THẨM (LẦN 1)

.
 


Kính gởi: Tòa Phúc Thẩm Tòa Án Nhân Dân Tối Cao
               tại thành phố Hồ Chí Minh


Tôi, Tạ Phong Tần, sinh ngày 15/9/1968
  • Hiện ngụ tại: số 30 đường số 3,căncứ 26B, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh;
  • Điện thoại: 0987 228 728; Mail: taphongtan@gmail.com.
Là người kháng cáo bản án sơ thẩm số 01/2008/HC-ST ngày 26/2/2008 của Tòa án tỉnh Bạc Liêu.
Tôi không đồng tình với kết luận của bản án sơ thẩm, bởi lẽ kết luận đó là trái pháp luật.
Tôi xin trình bày quan điểm của tôi trước HĐXX phúc thẩm như sau: 

A- VỀ HÌNH THỨC:
Bản  án sơ thẩm hành chính số 01/2008/HC-ST ngày 26/2/2008 của Tòa án tỉnh Bạc Liêu đã cố tình bỏ qua những vi phạm cơ bản nghiêm trọng của Sở TM-DL BL trong quy trình kỷ luật cán bộ công chức được quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.
Cụ thể  như sau:
1. Ban hành quyết định số  291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007 và  Quyết định số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007 trái pháp luật về hình thức văn bản hành chính:
- Quyết  định số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007 cáo buộc tôi có 8 hành vi vi phạm gồm: 
1-Tư  tưởng nhận thức lệch lạc về  chính trị;
2- Mơ  hồ;
3- Mất cảnh giác cách mạng;
4- Viết bài có dụng ý bôi nhọ  cán bộ lãnh đạo;
5- Có  thái độ, cử chỉ  bất hòa;
6- Chống đối;
7- Kém ý thức tổ chức kỷ luật;
8- Không tôn trọng lãnh đạo, tập thể.
- Quyết  định số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007 giải quyết khiếu nại Quyết định số 291/QĐ-TM&DL thì cũng chỉ bổ sung được điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định 35/2005/NĐ-CP, tức về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức; mà không nêu ra được 8 lỗi trên đã vi phạm vào khoản nào Điều nào của Pháp lệnh cán bộ công chức là trái với khoản 4 Điều 5 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP: 
“Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức”.
Như vậy, nếu có 8 hành vi vi phạm thì quyết định phải ghi cụ thể lần lượt từng hành vi và từng điều khoản văn bản áp dụng riêng cho từng hành vi đó.
Quyết  định cũng không xác định được trong 8 hành vi đó hành vi nào là “tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng” là trái với điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.
“Cán bộ, công chức tuy có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ, công chức;”.
2. Quy trình xử lý trái với Nghị  định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ  và Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP:
Cuộc họp ngày 23/3/2007 thể hiện rất rõ bằng biên bản viết tay là từ đầu đến cuối biên bản chỉ tập trung vào 2 vấn đề:
Thứ  1, “Viết bài đưa lên mạng BBC đề tài cho các thế lực thù địch lợi dụng bình luận xuyên tạc nói xấu chế độ”; 
Thứ  2, “Đưa lên mạng như bài “khiếu nại”, những bài viết mang tính châm biếm như “quan lo mồn, quan mua bán… v.v. nhìu lại có có nội dung sấu, không trung thực, ám chỉ một số cán bộ của tỉnh”; 
(Lưu  ý: những chữ trong ngoặc kép là trích dẫn nguyên văn biên bản, trung thành với bản gốc nên có những chữ sai chính tả và khó hiểu).
Từ đầu đến cuối cuộc họp không nhắc đến tên bất cứ  bài báo nào do tôi viết, cũng không chỉ ra được cụ thể câu nào trong bài báo nào đã viết sai.
- Không khách quan: Trước đó tập thể cán bộ Sở chưa ai được đọc nguyên văn những bài báo của tôi, khi họp tập thể cán bộ cũng không được nghe đọc lại nguyên văn mà lãnh đạo Sở chỉ nêu được vài cái tên bài (nhưng không phải là bài báo và cũng không phải đăng trên website BBC) rồi quy kết rằng sai. Lãnh đạo Sở không chỉ ra được trong những bài báo đã đăng trên BBC thì câu nào sai, câu đó trái với quy định nào, văn bản nào cấm, v.v… Người ghi biên bản đáng lẽ chỉ được phép ghi trung thực diễn biến cuộc họp và ý kiến những người tham gia cuộc họp thì chỉ ghi ý kiến nào đồng tình với ý kiến lãnh đạo Sở, không ghi ý kiến cá nhân Tôi mà còn cho mình cái quyền tự nhận xét thêm vào “cố tình quanh co không nhìn nhận khuyết điểm của mình” là bằng chứng cho thấy rõ nhất tính chất cuộc họp là không khách quan.
- Không công bằng: Những lập luận của tôi đưa ra không được xem xét, không được ghi vào biên bản để báo cáo lên cấp trên. Như vậy là bóp nghẹt quyền phát biểu ý kiến của người khác.
Cuộc họp Hội đồng kỷ luật ngày 11/4/2007 hình thức tiến hành cũng giống như cuộc họp ngày 23/3/2007. 
Như vậy, quy trình tổ chức thực hiện cả 2 cuộc họp  đều trái với quy định tại Phần II, điểm 4.5. Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
“Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị họp kiểm điểm cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, phải phân tích, chỉ rõ vi phạm nhằm giáo dục, giúp đỡ người vi phạm nhận rõ khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa”.
- Bất minh: Nội dung biên bản cuộc họp Hội đồng kỷ luật ngày 11/4/2007 mà Sở TM-DL BL cung cấp cho Tòa án hoàn toàn khác với nội dung họp thực tế ngày 11/4/2007. 
Nội dung thực tế cuộc họp ngày 11/4/2007 hoàn toàn giống cuộc họp tập thể cán bộ công chức Sở TM-DL đã nêu ở phần trên, nhưng đọc biên bản cuộc họp ngày 11/4/2007 Sở TM-DL BL cung cấp cho Tòa án thì thấy thêm những phần sau:
- Cáo buộc bịa đặt tôi “khai man lý lịch”, “vi phạm chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, tàng trữ văn hóa đồi trụy”;
- Tất cả  các biên bản họp đều tự ý ghi không khách quan, một chiều theo ý của lãnh đạo Sở, không ghi ý kiến của tôi vào và cũng không đưa cho đương sự ký tên. Vì vậy, những biên bản này đều không hợp pháp.
Trong bản tự khai ngày 9/10/2007, ông Nguyễn Trung Tiến viết rằng “bà Tạ Phong Tần hoàn toàn không ký vào biên bản nào cả vì bà cho rằng việc làm đã qua của mình là hoàn toàn đúng nên bà không ký biên bản” là sự bịa đặt trắng trợn, hoàn toàn sai sự thật.
Cũng theo bản tự khai này, nhiều cấp cán bộ lãnh đạo Sở TM-DL đã tiến hành làm việc với tôi 5 lần, từ ngày 8/9/2006 đến ngày 11/4/2007, lần nào cũng có lập biên bản nhưng tôi đều không ký tên. 
Trong thời gian kéo dài 7 tháng 3 ngày, tôi vẫn đi làm tại cơ quan bình thường, được trả lương đầy đủ, nhưng Sở TM-DL không lập nổi một biên bản nào về việc tôi không ký tên vào các biên bản cuộc họp được liệt kê trong tờ tự khai là việc hết sức vô lý. 
Điều này chỉ có thể được giải thích bằng việc biên bản ghi không khách quan, một chiều theo ý của lãnh đạo Sở nên lãnh đạo Sở chỉ đạo giấu nhẹm không đưa ra mà thôi.
Thời gian này cán bộ Sở đều đi làm đầy đủ, không ai nghỉ phép thời gian dài, là điều kiện thuận lợi để lập biên bản về việc tôi không chịu ký tên vào các biên bản cuộc họp cho cán bộ Sở ký làm chứng nhưng lãnh đạo Sở đã không làm được. Vì nếu lập biên này thì phải ghi rõ lý do vì sao tôi không ký tên vào, lúc này tôi vẫn có mặt đầy đủ mỗi ngày tại cơ quan nên những người đồng nghiệp của tôi không thể làm một việc trái lương tâm con người là ký làm chứng vào một biên bản sai sự thật.
Nếu căn cứ vào các biên bản này thì họp tập thể  cán bộ công chức xét kỷ luật về một vấn  đề, nhưng họp hội đồng kỷ luật lại nêu một vấn đề khác, không ăn nhập gì với cuộc họp trước; nên có thể nói những hành vi (mà lãnh đạo Sở cho rằng vi phạm) đã chưa được đưa ra họp Hội đồng kỷ luật lần nào thì không thể ra quyết định kỷ luật cán bộ công chức được.
Như vậy, rõ ràng toàn bộ quy trình xử lý xử lý kỷ luật đã trái với khoản 1 Điều 5 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP là “Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng thời hiệu quy định” nhưng HĐXX sơ thẩm lại cố tình không nhìn thấy và cho rằng quy trình được thực hiện đúng.
3. Sở TM-DL ngụy tạo hồ  sơ nộp cho Tòa án  để hợp pháp hóa việc làm sai:
a) Các văn bản không viện dẫn căn cứ pháp luật:
1-Biên bản họp cơ quan ngày ngày 23/3/2007;
2-Quyết  định buộc thôi việc số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007;
3-Quyết  định trả lời khiếu nại số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007;
4-Công văn số 02/SNV-TCCC ngày 25/4/2007 của Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu;
Đều không văn bản nào đề cập đến khoản 4, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC; Chỉ thị 48/CTTW ngày 14/2/2005, khoản 1, khoản 2 Điều 8 và khoản 1 Điều 15 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ);
b) Tuy nhiên, các tài liệu Sở TM-DL nộp cho Tòa án trái với nội dung thực tế các cuộc họp:
- Biên bản Họp Hội đồng kỷ luật ngày 11/4/2007 thì  ghi tôi vi phạm vào các khoản 1, khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh CBCC, khoản 2, 4, Điều 8; khoản 2 Điều 9 Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007;
- Đề nghị  số 248/ĐN-HĐKL ký cùng ngày 11/4/2007 của Hội  đồng kỷ luật ghi tôi vi phạm Điều 4, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (chung chung, không ghi rõ cụ thể điều khoản nào);
- Công văn số 249/CV-TM&DL ngày 16/4/2007 của Giám đốc Sở  TM-DL thì ghi tôi vi phạm Điều 4, Điều 6 Pháp lệnh CBCC; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (chung chung, không ghi rõ cụ thể điều khoản nào);
- Tờ  tự khai ngày 9/10/2007 của ông Nguyễn Trung Tiến (thừa ủy quyền của ông Phan Hùng Việt) thì  ghi tôi vi phạm Chỉ thị 48/CTTW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị, khoản 1, khoản 6 Điều 6 Pháp lệnh CBCC, khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 15 của quy tắc ứng xử ban hành kèm Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007;
4 tài liệu cho trên cho thấy Sở TM-DL viện dẫn căn cứ pháp luật để xử lý vi phạm “tiền hậu bất nhất”, tùy tiện thêm thắt lung tung và mâu thuẫn với  đã chứng minh rằng khi tổ chức họp kiểm điểm tôi lãnh đạo Sở đã không viện dẫn được căn cứ pháp luật cụ thể nào để áp dụng, khi làm đề nghị gởi đến Sở Nội vụ cũng không viện dẫn được căn cứ pháp luật cụ thể nào nên Sở Nội vụ cũng trả lời bằng văn bản rất chung chung là có sai phạm.
Điều này cho thấy quy trình xử lý lỷ luật trái với quy định tại Phần II, điểm 4.5 Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và 4 văn bản trên đã được viết lại để hợp pháp hóa việc lãnh đạo Sở không viện dẫn được căn cứ pháp luật khi áp đặt rằng cán bộ công chức có sai phạm.
Sở TM-DL không thể xin ý kiến Sở Nội vụ và ban hành quyết định kỷ luật CBCC về những vi phạm chưa dược đưa ra họp trước tập thể cơ quan và chưa đưa ra họp trước Hội đồng kỷ luật. 

B- VỀ PHẦN NỘI DUNG:
Nhận xét của bản án sơ thẩm là không đúng sự  thật khách quan và trái pháp luật:
Thứ  1, bản án không chỉ ra được bài báo nào “nhiều bài thì phiến diện, phủ nhận và không đánh giá đúng được các thành tựu mà hệ thống cơ quan nhà nước mang lại” là bao nhiêu bài, tên bài là gì, đăng ở báo nào nên đó là nhận xét vô căn cứ.
Thứ  2, lãnh đạo Sở TM-DL Bạc Liêu và HĐXX sơ thẩm TA tỉnh Bạc Liêu không có quyền làm thay nhiệm vụ của Cục Báo chí:
Bài báo Năm căn bệnh của công chức ở Việt Nam đăng trên website BBC ngày 04/6/2006 chính là bài báo “Vấn đề công chức: Còn đó những căn bệnh trầm kha” đã đăng trên báo điện tử Vietnamnet ngày 06/2/2006, BBC đăng lại nguyên văn và chỉ sửa lại cái tên bài; tức BBC đăng sau khi Vietnamnet đã đăng 3 tháng 28 ngày.

Về phương diện pháp lý, khi Nhà nước đã ban hành luật chuyên ngành thì mỗi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nào phải được đưa về xem xét theo chuyên ngành luật đó; nếu một hành vi vi phạm pháp luật mà có nhiều bộ luật cũng điều chỉnh thì phải theo qui định của luật chuyên ngành. Đó là thông lệ áp dụng luật pháp từ xưa đến nay cả trong nước và quốc tế. 
Trong trường hợp này thì Luật Báo chí là luật chuyên ngành thì mọi hành vi vi phạm về báo chí đều phải được xem xét, xử lý trước căn cứ vào Luật Báo chí, và chỉ có Cục Báo chí mới có quyền nhận định nội dung một bài báo như thế nào là đúng, sai, có vi phạm Luật Báo chí hay không, nếu có thì vi phạm ở mức độ nào? Nghiêm trọng hay không nghiêm trọng?
Vietnamnet là tờ báo điện tử hợp pháp tại Việt Nam. Cho đến thời điểm xét xử phúc thẩm ngày hôm nay, Cục Báo chí vẫn không có ý kiến gì về bài báo này là sai thì hà cớ gì Sở TM-DL BL và HĐXX sơ thẩm lại tự cho mình cái quyền làm thay công việc của Cục Báo chí là nhận xét đúng sai nội dung bài báo và xử lý kỷ luật người viết?
Vì vậy, đến nay đã hơn 2 năm rưỡi trôi qua kể từ khi Vietnamnet đăng bài mà Cục báo chí không có ý kiến gì thì có nghĩa là bài báo “Năm căn bệnh công chức ở Việt Nam” là phản ánh đúng sự thật và không hề vi phạm Luật báo chí.
Mặt khác, HĐXX sơ thẩm nhận định: “Hiện nay, trong hệ thống cơ quan Nhà nước đã và đang tồn tại nhiều căn bệnh nan y như: bệnh sợ biết nhiều; bệnh lý lịch, bệnh bánh ích đi, bánh quy lại; bệnh địa phương cục bộ… hoặc bài bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm của tác giả có nội dung: bàn về vấn đề thiếu tập trung dân chủ trong Đoàn biểu Quốc hội. Tác giả cho rằng: Đoàn đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách cũng là hình thức thiếu dân chủ (mà đại biểu Quốc Hội kiêm nhiệm chiếm 75% tổng số Đại biểu Quốc Hội hiện nay)” là câu văn què cụt, thiếu ý, sai ngữ pháp tiếng Việt, có chủ ngữ mà không có vị ngữ; Bản án sơ thẩm dẫn chứng: “Hiện nay, trong hệ thống cơ quan Nhà nước đã và đang tồn tại nhiều căn bệnh nan y như: bệnh sợ biết nhiều; bệnh lý lịch, bệnh bánh ích đi, bánh quy lại; bệnh địa phương cục bộ…” rồi bỏ dở giữa chừng, không kết luận được vậy thì bài báo này có liên quan gì đến việc hành vi vi phạm của tôi, mà lại bắt quàng sang một bài báo khác là “Về nguyên tắc dân chủ tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh”. 
Đồng thời, bản án còn bộc lộ cho thấy HĐXX sơ thẩm đã suy diễn phiến diện, chủ quan, bóp méo sự việc, có tính cách quy chụp vô căn cứ khi cho rằng: “Hiểu theo phân tích của bà Tần công chức Nhà nước không ai đủ đạo đức, đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, phủ nhận hoàn toàn thành tựu đào tạo, trồng người và sự rèn luyện của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức”. Nếu nói rằng “trong hệ thống cơ quan Nhà nước đã và đang tồn tại nhiều căn bệnh nan y” thì không có nghĩa là cả tất cả cán bộ côg chức cơ quan Nhà nước đều có “bệnh nan y” đó. Nếu suy diễn theo kiểu HĐXX sơ thẩm thì những bài báo có nội dung: Hiện nay, Việt Nam đã và đang tồn tại bệnh cúm gà, bệnh HIV, bệnh dịch tả… thì có nghĩa là tất cả người Việt Nam đều mắc bệnh cúm gà, bệnh HIV, bệnh dịch tả…? 
Mặt khác, các câu ngắn “bệnh sợ biết nhiều”, “bệnh lý lịch”, “bệnh bánh ích đi, bánh quy lại”; “bệnh địa phương cục bộ” là những tít nhỏ trong bài báo (trung thành với bản án, nên chữ “ích” sai chính tả vẫn được giữ nguyên), dưới mỗi tít là một hay hai câu chuyện cụ thể để giải thích rõ ý của tít nhưng HĐXX sơ thẩm không đọc phần nội dung bên dưới, mà gom cù các tít lại thành 1 câu rồi suy diễn theo ý mình là trái với bản gốc bài viết của tác giả. Vì vậy, câu “Hiện nay, trong hệ thống cơ quan Nhà nước đã và đang tồn tại nhiều căn bệnh nan y như: bệnh sợ biết nhiều; bệnh lý lịch, bệnh bánh ích đi, bánh quy lại; bệnh địa phương cục bộ…” đó là văn của HĐXX chớ không phải văn của tôi.
Có vẻ  như lãnh đạo Sở TM-DL Bạc Liêu và HĐXX sơ thẩm ngay cả báo chính thống của Nhà nước cũng không đọc nên không biết rằng những vấn đề nêu trong bài báo “Năm căn bệnh công chức ở Việt Nam” không có gì mới, cũng chẳng có gì gọi là ghê gớm, mà đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Mời HĐXX phúc thẩm đọc bài “Có nên công khai quy hoạch cán bộ?” đăng báo điện tử Đảng CSVN ngày 16/6/2005, hoặc loạt bài “Nghịch lý trong phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài ở Việt Nam” của GS.TS Trần Văn Tùng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (báo Thanh Niên Online từ ngày 03/6/2006 (bài 1), 05/6/200 (bài 2), 05/6/200 (bài 3) để thấy rõ hơn thực trạng việc sử dụng người trong các cơ quan Nhà nước Việt Nam như thế nào.
Thứ  3, đoạn nhận định về bài báo “Bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh” thì bản án sơ thẩm “lấy râu ông nọ cắm càm bà kia” và trích dẫn sai lạc để bóp méo nội dung theo hướng bất lợi cho người khởi kiện:
Bản  án sơ thẩm viết: “Tác giả cho rằng: Đoàn đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách cũng là hình thức thiếu dân chủ (mà đại biểu Quốc Hội kiêm nhiệm chiếm 75% tổng số Đại biểu Quốc Hội hiện nay)” để cho rằng tôi nhận định 75% Đại biểu kiêm nhiệm là thiếu dân chủ. Xem lại bài báo thì thấy câu “Tình trạng đại biểu Quốc Hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách cũng là một hình thức thiếu dân chủ” và câu “chiếm 75% tổng số Đại biểu Quốc Hội” nằm ở 2 đoạn văn khác nhau, đoạn trên cách đoạn dưới đến 6 đoạn và 17 dòng.
Tôi xin nhấn mạnh với HĐXX phúc rằng danh từ “Đoàn” ý nghĩa khác xa với tính từ “tình trạng”, câu “cũng là một hình thức thiếu dân chủ” ý nghĩa khác xa với câu “cũng là hình thức thiếu dân chủ”. Câu của tôi viết ý nghĩa chỉ một mặt nào đó của sự việc nhưng bản án đã sửa chữ, đã bỏ bớt chữ, làm cho câu văn từ phản ánh một mặt của vấn đề mà trở thành nhận định bao quát, tức làm sai lệch ý nghĩa câu chữ của người viết. Do đó, chứng cứ (tức câu văn) mà HĐXX đưa ra quy kết trong bản án là câu văn của HĐXX chớ không phải câu văn của tôi nên không thể coi đây là chứng cứ để kết luận về hành vi vi phạm. 
Mặt khác, bản án sơ thẩm cho rằng tôi đã viết bài “bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh” thì thực tế không có bài viết tên này mà chỉ có bài viết “Bàn về nguyên tắc dân chủ tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, “tập trung dân chủ” và “dân chủ tập trung” ý nghĩa khác nhau như thế nào, trong bài viết “Bàn về nguyên tắc dân chủ tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh” tôi đã giải thích rõ, tưởng không cần nhắc lại ở đây. Như vậy, về mặt chứng cứ, bài viết “bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh” là một bài viết khác, không phải bài viết của tôi.
Thực tế  đã có việc dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đối tượng phải kê khai tài sản từ “con” hạ xuống thành “con chưa thành niên” khi ban hành luật là có thật. Những vấn đề tôi nêu trong bài báo không mới. Ông Mai Thúc Lân - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định: 
“Việc tiếp xúc cử tri cũng chưa có nhiều đổi mới, vẫn được làm theo nếp cũ. Thành ra người ta nói “đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” bởi vì  lần nào tiếp xúc cử tri cũng có ngần ấy gương mặt, vẫn phát biểu những chuyện như vậy. Có thể nói nhiều đại biểu Quốc hội chưa xuống tận cơ sở, chưa tiếp xúc với đầy đủ cử tri các giới...”, “nên giảm lượng đại biểu Quốc hội là quan chức. Các quan chức như: bộ trưởng, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị cũng không nên tham gia Quốc hội nhiều.
Vì  những đồng chí này khi ra Quốc hội thường ít phát biểu, trái lại những đại biểu không nắm giữ chức vụ thường hăng hái phát biểu ý kiến”. (Tiền Phong ngày 05/01/2006);
Ông Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch MTTQ VN cũng bức xúc:
“Thực tế cho thấy, chỉ một số ít nơi tổ chức tiếp xúc cử tri tương đối tốt còn phần lớn vẫn mang tính hình thức, đó là điều đáng lo lắng. Quan sát các cuộc tiếp xúc cử tri thì thấy đến đâu cũng thấy triệu tập lãnh đạo địa phương, thấy ông Bí thư, Chủ tịch xã, ông đại diện Mặt trận, đại diện tổ chức đoàn thể nên người dân vẫn gọi họ là “đại cử tri”. 
Trong khi đó, những người thật sự tâm huyết, có những suy nghĩ về những vấn đề bức xúc đang đặt ra với người dân, hoặc những người thấy có vấn đề gì đó nổi cộm muốn trình bày có khi lại không được đến dự. Nên việc dân nói “ĐBQH kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” là có thật.
Là  một ĐBQH tôi cũng không vui khi đi tiếp xúc cử tri như  vậy. Tiếp xúc cử tri ở  đâu cũng gặp toàn lãnh đạo với nhau cả, thành ra đó là cuộc lãnh đạo cấp cơ sở gặp ĐBQH. 
Cho dù  những vấn đề mà cán bộ  cơ sở nêu lên không hẳn là  không đúng, nhưng đó chưa thực sự  là những tiếng nói trực tiếp từ  thực tiễn mà người dân muốn phản  ánh.” (Tiền Phong ngày 10/05/2006);
“Không có nhiều gương mặt mới, tiếng nói mới trong những ngày Quốc hội thảo luận về các dự  án luật tại kỳ họp thứ 10. Với mỗi dự  án luật, nhắm mắt lại, cử tri cũng đoán được những đại biểu nào sẽ đóng góp ý kiến. Và nhắm mắt lại, cử tri cũng thấy nhiều đại biểu lại có thêm một kỳ họp không thanh âm. Cánh phóng viên đưa tin về kỳ họp Quốc hội thì luôn thường trực nỗi lo: Phỏng vấn ai cho mới mẻ, hấp dẫn bây giờ? Quanh đi quẩn lại chỉ có chừng ấy khuôn mặt quen, chủ yếu là các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Trong các phiên chất vấn có một hiện tượng: Hầu như  không đại biểu Quốc hội nào trong ngành “dám” chất vấn Bộ trưởng ngành mình, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội của ngành giao thông không chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải, đại biểu Quốc hội ngành xây dựng không chất vấn Bộ trưởng Bộ xây dựng... Trái lại những đại biểu không nắm giữ chức vụ, có vị trí tương đối độc lập trong Quốc hội- mà cử tri thường gọi vui là “không có gì để mất”- thường hăng hái phát biểu ý kiến hơn và dám tung ra câu hỏi hóc búa.
Nhưng nhiều cử tri thắc mắc có  rất nhiều đại biểu có  thẩm quyền, có chuyên môn, có  điều kiện hiểu rất cặn kẽ  nhiều chuyện nóng bỏng, bức xúc vẫn chưa tham gia chất vấn.
Câu trả  lời đầu tiên nằm  ở con số 75% đại biểu Quốc hội là  kiêm nhiệm. Những đại biểu kiêm nhiệm thì  lại chỉ dành 30% thời gian cho hoạt  động của Quốc hội. Thời gian còn lại họ  làm những công việc khác. Và  nếu 70% thời gian họ làm công việc khác thì làm đại biểu mới thật sự là việc kiêm nhiệm. Công việc hành chính choán hết thời gian, một năm hai lần vào vai đại biểu, thời gian tiếp xúc cử tri cũng eo hẹp, làm sao đại biểu kiêm nhiệm đảm đương được hết vai trò đại diện cho dân? Thêm vào đó, nhiều vấn đề phức tạp, cần mổ xẻ, chuyên môn sâu, mà đại biểu thiếu thời gian đầu tư, tìm hiểu cặn kẽ, rất khó có “đất” để phát biểu. Vì thế, có cử tri nhận xét rằng, có đại biểu ứng cử ở địa phương mình cả mấy kỳ họp mà chưa thấy một lần “đăng đàn”, có đăng đàn thì chỉ nói chung chung, và không đeo đuổi, bảo vệ quan điểm của mình đến nơi, đến chốn. Đấy là chưa kể nhiều trường hợp, các vị đại biểu kiêm nhiệm nhìn thấy cả hình ảnh của mình trong cả vai người bị chất vấn nên thôi “dễ người dễ ta”. Ống kính truyền hình không ít lần hướng về các đại biểu ấy để cử tri quan sát cả những vị đang ngồi nghe, rất ít khi nhập cuộc. 
Thứ  nữa, đại biểu không sống chết với danh dân biểu của mình để vì cử tri”.
(Bài  “Từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI, nghĩ  về Quốc hội khóa XII”- Báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 01/12/2006).
Khái niệm dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa đơn giản: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân...”, “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về nhân dân”, (Lời giới thiệu Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 1, NXB Chính Trị Quốc Gia Hà Nội, 2000); “có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. ấy là dân chủ” (Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 2, trang 293, NXB Chính Trị Quốc Gia Hà Nội, 2000);
Còn theo quan điểm của Đảng CSVN thì dân chủ là: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Quốc Hội có quá nhiều Đại biểu kiêm nhiệm dẫn  đến thực trạng như ông Mai Thúc Lân, ông Phạm Thế Duyệt bức xúc, hay bài viết trên báo Người đại biểu nhân dân; so với khái niệm dân chủ trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, dân chủ theo quan điểm của Đảng CSVN thì hoạt động của Quốc Hội mà dân không được biết, không được bàn, không được kiểm tra, chỉ được mỗi việc là làm theo lệnh từ trên đưa xuống thì không phải thiếu dân chủ thì là gì?
Suy diễn như lãnh đạo Sở TM-DL BL, HĐXX sơ thẩm thì các ông Mai Thúc Lân, Phạm Thế Duyệt cũng đang “nói xấu” Quốc Hội?
Nói về  một sự thật thì không phải là “nói xấu”.  Rõ ràng lãnh đạo Sở TM-DL Bạc Liêu, HĐXX sơ thẩm đã không đọc báo chí trong nước, ngủ quên trên mớ lý thuyết CNXH mà thờ ơ với tình hình thực trạng trong nước, không quan tâm đến những bức xúc của nhân dân, nên những ai nói trái với lý thuyết CNXH đều là “nói xấu”?
Thứ  4, lãnh đạo Sở TM-DL Bạc Liêu và HĐXX sơ thẩm đã không chứng minh được hậu quả nghiêm trọng có xảy ra do hành vi vi phạm của tôi:
Bản  án sơ thẩm tiếp tục khẳng định:
Tiêu chuẩn cơ bản trước hết của cán bộ công chức Nhà nước là chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bà Tần đã sử dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để nói xấu bản chất cơ quan quyền lực Nhà nước là Quốc hội và những Đại biểu Quốc Hội. Đồng thời sử dụng báo chí làm phương tiện để tuyên truyền cho quan điểm sai trái đó.
Như  đã phân tích ở trên, bà Tần là cán bộ  công chức Nhà nước nhưng đã vi phạm khoản 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005. Với tính chất mức độ rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ công chức”.
Không biết cái “khoản 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005” mà HĐXX sơ thẩm viện dẫn là khoản 2 của Điều nào trong Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005?
Khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh cán bộ công chức quy định cán bộ  công chức có nghĩa vụ: “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định của pháp luật”;
Điều 2 Nghị  định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức quy định các trường hợp bị xử lý kỷ luật như sau:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ  của cán bộ, công chức quy định tại  Điều 6, 7 và Điều 8 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003 trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
2. Vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại  Điều 15, 16, 17, 19 và Điều 20 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003.
3. Vi phạm pháp luật bị Tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.
“Người thi hành công vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một nhiệm vụ và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”; 
“Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ mà bị xâm phạm thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ” (Trích “Bình luận khoa học BLHS", tập 8, Trang 14 của ông Đinh Văn Quế - Chánh tòa HS Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, NXB Tổng hợp Tp HCM). 
Như vậy, việc tôi viết báo là việc làm cá nhân, ngoài giờ làm việc, không phải là “Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức” trong khi đang thi hành công vụ, nên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP nói trên;
Điều 25 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP quy định hình thức buộc thôi việc đối với các trường hợp:
1. Áp dụng đối với cán bộ, công chức phạm tội bị Tòa án phạt tù giam.
2. Hội  đồng kỷ luật có thể  kiến nghị người có  thẩm quyền quyết định hình thức kỷ  luật buộc thôi việc đối với các trường hợp sau:
a) Cán bộ, công chức đang trong thời gian thi hành một trong các hình thức kỷ luật hạ ngạch, cách chức mà tái phạm hoặc tiếp tục vi phạm kỷ luật;
b) Cán bộ, công chức tuy có hành vi vi phạm lần  đầu nhưng tính chất và  mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ  cán bộ, công chức;
c) Cán bộ, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước;
d) Cán bộ, công chức nghiện ma túy;
đ) Cán bộ, công chức tự ý bỏ việc và  đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi giấy gọi 3 lần mà không đến.
HĐXX sơ  thẩm cho rằng tôi đã không “chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước” nhưng lại không chứng minh được hành vi nào là “vi phạm nghiêm trọng” (nếu có);
Cần nhấn mạnh rằng cho đến thời điểm này chưa có cơ  quan chức năng có thẩm quyền nào kiểm tra, giám định… để đánh giá là “vi phạm nghiêm trọng”, ngiêm trọng ở mức độ nào (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng). Muốn kết luận nội dung một bài báo đúng sai, tốt xấu như thế nào, trừ trường hợp nhân vật chính được phản ánh trong bài báo nộp đơn khiếu nại, thì mọi trường hợp khác chỉ có Hội đồng giám định về văn hóa mới có thẩm quyền kết luận, vậy thì HĐXX sơ thẩm căn cứ đâu để cho rằng tôi đã vi phạm “tính chất mức độ rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ công chức”? (điểm b khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh cán bộ công chức).
Điều đó cho thấy những nhận định trong bản án sơ thẩm hoàn toàn suy diễn chủ quan, một chiều, có tính chất quy chụp và hoàn toàn vô căn cứ.
Từ  những lập luận và chứng cứ  đã nêu trên, tôi đề nghị  HĐXX phúc thẩm  như  sau:
1. Hủy bỏ quyết định Hủy bỏ Quyết định số 291/QĐ-TM&DL ngày 27/4/2007 và Quyết định số 346 QĐ-TM&DL ngày 24/5/2007 của Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu;
2. Buộc Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu, nay là Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu
bồi thường thiệt hại cho tôi theo quy định pháp luật, cụ thể gồm các khoản:
- Lương chính (có bảng tính cụ thể đính kèm)
- Về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội Sở TM-DL nộp cho cán bộ công chức tại cơ quan bảo hiểm hàng tháng là 17% trên tổng mức lương, trong đó công chức phải trích lương của mình nộp 6%, Sở TM-DL phải xuất tiền cơ quan nộp cho công chức 11%. Từ tháng 6/2007 đến nay Sở TM-DL không nộp 11% chế độ này của Tôi cho công ty bảo hiểm. Nay đề nghị HĐXX phúc thẩm buộc Sở TM-DL Bạc Liêu (nay là Sở Công Thương Bạc Liêu) phải trả thêm cho tôi khoản tiền 11% này từ tháng 6/2007 cho đến ngày Sở Sở Công Thương Bạc Liêu thi hành án.
Số tiền 11% tính theo tổng mức lương này đến tháng 8/2007 có thay đổi cao hơn vì đó là thời gian tôi đến niên hạn nâng bậc lương (chuyên viên bậc 8/9) và đến tháng 1/2008 cũng thay đổi tăng lương cơ bản lên 540.000 đồng/tháng theo Nghị định 166/2007/CP-NĐ ngày 16/11/2007 của Chính phủ.
      Thời gian Sở Sở Công Thương Bạc Liêu thi hành án càng kéo dài thì số tiền càng tăng, nên không tính ra con số cụ thể được. 

Thành phố  Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 6 năm 2008
Tạ Phong Tần
.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét