25/2/10

TRUNG QUỐC ĐÃ HOÀN THÀNH VIỆC XÂY DỰNG 113 CỌC TIÊU VÀ HẢI ĐĂNG Ở HOÀNG SA

.



Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng 113 cọc tiêu và hải đăng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tin động trời này được đăng ngập tràn trên các trang tiếng Việt ở nước ngoài từ ngày 12/02/2010. Cho đến ngày hôm nay là đã 13 ngày trôi qua, vào Google search tìm nhưng không thấy bất kỳ một trang báo, trang tin điện tử nào ở Việt Nam đăng, báo giấy hàng ngày cũng không thấy đăng. 

Mời quý vị đọc toàn văn bản tin trên trang của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 12/02/2010

"Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng 113 cọc tiêu và hải đăng nhằm xác lập đường lãnh hải ở khu vực vùng biển tranh chấp Đông Trung Hoa.


Khu vực biển được coi có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn này là nơi cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. 

Reuters trích lại tin của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng tương tự đối với quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía đông nam quần đảo Hải Nam. 

Tưởng cũng cần nhắc lại là hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay lực lượng Việt Nam Cộng Hòa sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi ngày 19/1/1974. 

Hồi tháng Một năm 2010, trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Tôn Quốc Tường, nói rằng lãnh đạo Trung Quốc đề xuất ‘gác lại tranh chấp và cùng nhau khai thác’ ở khu vực biển biển Đông.

Reuters nhận định rằng tuyên bố ranh giới lãnh hải của Trung Quốc ở khu vực biển Đông luôn gây ra tranh cãi vì vùng biển nhiều dầu mỏ này là nơi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tuyên bố chủ quyền.".


Vậy mà khai trương đầu năm Con Cọp, đương kim Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lên trang nhất các tờ báo trong nước hô hào: "Cần thông tin nhanh nhạy về chủ quyền đất nước" (Tuổi Trẻ ngày 24/02/2010), "Phải thông tin mạnh hơn về chủ quyền lãnh thổ" (Pháp Luật TP HCM ngày 24/02/2010), v.v... và v.v... 

Không biết lực lượng báo chí trong nước hiểu như thế nào về phát biểu của Thủ tướng mà trước thông tin Trung Quốc ngang nhiên cắm cọc tiêu, xây hải đăng để xác định chủ quyền của TQ trên quần đảo Hoàng Sa không thấy đăng lên cho người dân biết, làm như Hoàng Sa là ở tận đẩu tận đâu và của ai ai đấy, chả liên quan gì đến mình hết. Hay là ngoài mặt thì viết như thế chỉ để cho dân chúng trong nước đọc nhằm giải tỏa sì-trét, bên trong còn có sự chỉ đạo ngầm nào chăng, nên hơn 700 tờ báo dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN và Nhà nước CHXHCN Việt Nam đều im thin thít??? 

Tạ Phong Tần
.

23/2/10

CUỘC VƯỢT BIÊN ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

.
Hải trình từ VN sang Cao Ly (Hàn Quốc) năm 1226 của Hoàng thân Lý Long Tường

Sau khi áp dụng thành công kế "Du Long Chuyển Phụng" đem về ngôi báu cho họ Trần, để củng cố quyền lực và chống âm mưu phục quốc của họ Lý, năm Nhâm Thìn (1232) Thái sư Trần Thủ Độ lập mưu lừa tôn thất nhà Lý vào làng Hoa Lâm (Lục Ngạn, Bắc Ninh) tế lễ Thiên hậu rồi chôn sống, những người họ Lý còn sống sót phải đổi sang họ Nguyễn đày vào vùng rừng sâu núi độc.. 

Theo Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, vào năm 1226, để bảo toàn tính mạng và thờ phụng tổ tiên, Hoàng thân Lý Long Tường (lúc này đã 52 tuổi, con thứ 7 của vua Lý Anh Tông, nguyên là Thái sư Thượng Trụ quốc, Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng Thư Tả Bộc Xả, Lĩnh Đại Đô Đốc, tước Kiến Bình Vương dưới triều vua Trần Thái Tông) dẫn hơn 6 ngàn gia thuộc chạy trốn ra nước ngoài trên ba hải thuyền theo cửa biển Thần Phù (Thanh Hóa). Hơn một tháng lênh đênh trên biển, đoàn người đã được vua Cao Ly cho người đón tiếp ân cần và cho phép định cư tại đất nước Củ Sâm này.

Trong thời gian sống ở Cao Ly, Hoàng thân đã 2 lần giúp Cao Ly chống lại quân xâm lược Nguyên, lập nhiều công trạng, được vua Cao Lý phong làm Hoa Sơn Tướng Quân, lập bia ghi công ở Thụ hàng môn. 

Năm 1994, ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 của Hoàng thân Lý Long Tường đã dẫn theo gia tộc trên 200 người trở về Việt Nam, đến Từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) để kính bái Tổ tiên.

Hồi nhỏ, khi còn ngồi mài mòn đáy quần dưới mái trường XHCN yêu dấu, tôi vốn là một học sinh giỏi môn Lịch sử mà vẫn không biết những điều này, bởi nó không hề được viết trong sách giáo khoa Lịch sử. Mấy năm gần đây, nhờ mài mò tìm kiếm trong mớ sách cũ như Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  còn sót lại của thực dân, đế quốc mà đầu óc tôi nó được sáng láng ra. 

Vậy là không phải sau này người Việt mới biết xuống tàu vượt biên bằng đường biển để chạy trốn một chế độ, mà hồi cái thời xa lắc xa lơ cách đây 8 thế kỷ người Việt đã làm rồi. Điều ngạc nhiên là thời mồ ma Thực dân Pháp hay Đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nghe trong sách giáo khoa "đồn" rằng nó tàn ác, khốc liệt lắm, vậy mà hổng thấy người Việt nào ùn ùn kéo nhau bỏ đất nước mình mà chạy trốn cả. Sau ngày 30/4/1975, người Việt lại tiếp tục lũ lượt theo gương Hoàng thân Lý Long Tường mà vượt biển, biết là mười phần chết chín phần chỉ còn một phần hy vọng sống mà vẫn cứ ra khơi phó mặc cho may rủi, nghe nói số người bỏ mình trên biển cả có đến mấ ngàn người, những người may mắn sống sót không chỉ có mặt ở Cao Ly, mà hầu như có mặt ở khắp các quốc gia Châu Mỹ, Châu Âu.

Đọc sách Lễ Ký thấy có chép: "Khổng tử quá Thái Sơn trắc, hữu phụ nhân khốc ư mộ giả nhi ai. Phu tử thức nhi thính chi, sử Tử Lộ vấn chi, viết: "Tử chi khốc giả, nhất tự trùng hữu ưu giả". Nãi viết: "Nhiên. Tích giả ngô cửu tử ư hổ, ngô phu hựu tử yên, kim ngô tử hựu tử yên". Phu tử vãn: "Hà vị bất khứ dã?".  Viết: "Vô hà chính". Phu tử viết: "Tiểu tử chí chi, hà chính mãnh ư hổ dã"."

Nghĩa là: 

Khổng tử đi qua bên núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc trước mộ rất bi ai. Phu tử tựa vào xe để nghe, sai Tử Lộ hỏi: "Tiếng khóc của bà sao có nhiều nỗi đau buồn?". Người đàn bà trả lời: "Đúng vậy. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, sau đó chồng tôi chết chôn ở đây, bây giờ con tôi cũng chết chôn ở đây". Phu tử hỏi: Sao bà không đi nơi khác ở?". Người đàn bà trả lời: "Ở đây không có chính sách hà khắc". Phu tử nói rằng: "Các trò hãy ghi nhớ điều này: Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ". 

Vậy mà hồi đó lúc nào cũng cứ nghe nói nhai nhải bên tai rằng bọn "trộm cướp đĩ điếm mê bơ thừa sữa cặn nên mới đi vượt biên". Mỹ mà biết câu này họ nở mũi bằng cái thúng bởi bơ sữa của họ còn giá trị hơn sinh mạng con người, nên mới khiến cho mấy ngàn người bất chấp hiểm nguy mà đi tìm "bơ thừa sữa cặn". 

Những con ếch bị nhốt trong giếng không thể biết bên ngoài trời cao đất rộng bao la đến nhường nào. May mà được trận mưa lớn ngập giếng nước tràn lên bờ, bầy ếch mới có dịp leo ra bơi lội tung tăng bên ngoài, mặc cho một lũ chăn ếch suốt ngày cứ chạy theo sau đít cố bắt lại từng con ném trở vào cái giếng sắp vỡ đến nơi rồi. Thật là phí công vô ích.


Tạ Phong Tần



__________

Lễ Ký: Hà chính mãnh ư hổ

苛政猛於虎

孔子過泰山側,有婦人哭於墓者而哀。夫子式而聽之,使子路問之,曰:子之哭也,壹似重有憂者。乃曰:然。昔者吾舅死於虎,吾夫又死焉,今吾子又死焉。夫子問:何為不去也?曰:無苛政。夫子曰:小子識之,苛政猛於虎也。

20/2/10

CHÚA ĐÃ NGHE LỜI CON CẦU NGUYỆN

.

Mùng 1 Tết Canh Dần, sau Thánh lễ đầu năm mới, Cha dăn dò mỗi người hãy đến bàn trước bàn thờ Đức Mẹ rút một tấm giấy có in lời Chúa, đó là lời đầu năm Chúa phán riêng cho mỗi người. Trên bàn, có rất nhiều chồng giấy được quay mặt chữ xuống dưới, mặt trắng lên trên, mỗi chồng giấy là một loại riêng, không loại nào giống loại nào. Theo chân mọi người, tôi cũng vào thắp nhang lên bàn thờ rồi rút đại một tờ giấy. Trên tờ giấy có in câu: "Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho. Chẳng để chính nhân phải nghiêng ngữa bao giờ" (Tv 55, 23). 

Về nhà, mở quyển Cựu Ước ra tra cứu, càng ngạc nhiên hơn và giật mình thấy câu trên trích trong Thánh Vịnh với chủ đề "Lời cầu xin của kẻ bị vu oan":

"Lạy Thiên Chúa, xin lắng tai nghe tôi cầu nguyện, 
xin đừng lẩn trốn trước lời tôi van nài, 
xin khấng ghé lại đáp lời, 
bồn chồn, tôi những than van và rên xiết, 
bởi kẻ thù gióng tiếng, và phường bất nhâ la ó, 
kìa chúng bỏ vạ cho tôi điều quái ác
chúng hằm hằm cáo tội tôi" (Tv 55, 2-4)
...
"Miệng nó thơn thớt, trơn hơn mỡ, 
nhưng lòng nó chỉ có chiến tranh
lời lẽ bùi tai như đượm dầu
nhưng thật là gươm trần giáo dựng.
Hãy trút cho Yavê gánh nặng ngươi mang, 
chính Người, Người sẽ đỡ đần cho ngươi,
Người sẽ không để kẻ lành thất thểu đời dời" (Tv 55, 22-23)
(Bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn - DCCT)

Hằng ngày, thắp nến trên bàn thờ Thiên Chúa, đọc kinh, cầu nguyện, hay dự Thánh lễ mỗi ngày Chủ nhật, tôi không hề xin Thiên Chúa ban cho tôi sống dai, tiền bạc, tài sản, địa vị hay danh vọng. 

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, con tin rằng Người đã nghe thấy lời con cầu xin, và Người đã đáp lời.

Lạy Chúa Giê-su! Con tín thác vào Chúa!

Maria Tạ Phong Tần
.


18/2/10

KHAI BÚT ĐẦU NĂM CANH DẦN: SỨC MẠNH CỦA VĂN CHƯƠNG

.

Theo Từ điển Tiếng Hoa, văn (文) có nghĩa là nho nhã, nhỏ nhẹ, đẹp đẽ. Chương (章) là sách, trật tự, mạch lạc, điều lệ, con dấu, huy chương.

Theo Từ điển Tiếng Việt, "văn chương là lời văn, câu văn, tác phẩm văn học nói chung. Như vậy, không cần phải cất công lâu ngày chày cháng để viết ra một quyển sách dày mo mới gọi là văn chương, một bài thơ, một bài báo ngắn, một câu chuyện hài hước… được sáng tác ra mang hơi thở nóng bỏng của xã hội đương đại cũng là một tác phẩm văn chương. 



Văn chương có thể sáng tác và ghi lại bằng chữ thành sách (văn tự), có thể sáng tác rồi truyền miệng bằng cách thuộc lòng (thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện tiếu lâm).  


Trước khi con người phát minh ra chữ viết, văn chương đã có từ rất lâu qua những câu chuyện, bài ca truyền miệng trong dân gian qua tài nghệ của các nghệ nhân hát rong. Trong giai đoạn xã hội đã phát triển, mặc dù đã có chữ viết, có phương tiện in ấn hẳn hoi nhưng có những lúc người ta vẫn dùng "công cụ thô sơ, lạc hậu" là kể truyền miệng cho nhau nghe để tránh sự kiểm duyệt, đàn áp của giới cầm quyền. Văn chương truyền miệng trong dân gian có sức sống mãnh liệt hơn hẳn sách báo, bởi sách báo in ra mà không người mua, không người đọc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Họa chăng chỉ có ý nghĩa với những người tự viết, tự in, tự "lưu hành nội bộ" để mà "tự sướng" với nhau.  


Thử điểm qua vài câu chuyện nổi tiếng trên thế giới mà người Việt ai cũng biết, chúng ta sẽ thấy bất cứ ở thời nào, giới cầm quyền độc tài hay không độc tài cũng đều nhìn thấy sức mạnh của văn chương. Họ vừa sợ hãi, vừa muốn lợi dụng văn chương làm công cụ phục vụ cho mình. 


Chuyện  bên Tàu 


Năm 213 trước Công nguyên, Thừa tướng Lý Tư (李斯) tâu lên Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (秦始皇, húy là Doanh Chính 嬴正): “... nay Hoàng đế đã thâu tóm cả thiên hạ,phân biệt trắng đen mà định ra điều duy nhất được tôn trọng.Những kẻ học Nho theo cái học riêng của mình lại cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống thì họ đều lấy cái học riêng của mình để bàn tán. Khi vào triều thì trong bụng chê bai. Ra đường thì bàn bạc chê vua của mình để lấy danh, làm cho khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ ở dưới phỉ bàng. Nếu như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút, ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm là hơn. Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất dấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà đều đem đến quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thư, Kinh Thi thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đối sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành. Những sách không bỏ là sách thuốc, sách bói; sách trồng cây. Ai muốn học pháp luật thì thờ quan lại làm thầy”. Chế của nhà vua nói: “Được”.
...
Bèn sai ngự sử  xét tất cả các nhà Nho. Các nhà Nho tố  giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều  đã cấm. Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở  Hàm Dương, báo cho thiên hạ biết điều đó để làm răn. Sau đó lại sai đày ra biên giới nhiều người bị tội để đi thú. (Tần Thủy Hoàng bản kỷ - Sử ký Tư Mã Thiên).  



Từ đó, cụm từ "Phần thư khanh nho" (焚書坑儒, đốt sách chôn Nho) trở thành một câu thành ngữ thông dụng ở Trung Quốc và lưu truyền cho đến ngày nay. Mục đích của Lý Tư dâng kế "Phần thư khanh Nho" là nhằm bịt miệng những kẻ lấy cái học "Vào triều thì trong bụng chê bai. Ra đường thì bàn bạc chê vua", đối với vua chỉ được khen chớ không được quyền chê, cho dù hành động của vua có nhiều điều hết sức xằng bậy rành rành ra đó, tức dập tắt quyền tự do ngôn luận, thống nhất một chiều về văn hóa, tư tưởng của dân chúng, nhằm xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền trung ương. Có thể thấy ngay từ thời rất xa xưa ấy Tần Thủy Hoàng và Lý Tư đã ý thức rất rõ văn chương có sức mạnh làm lung lay sự độc tài đế chế nhà Tần. Người đời sau cho rằng "Tần Thủy Hoàng có công thống nhất đất nước, làm cho Đất nước Trung Hoa thời đó hết loạn lạc vì chia năm xẻ bảy đánh nhau liên miên. Nhưng tiếp theo đó ông ta thể hiện sự tàn bạo và hà khắc đến cực đoan. Điều đó chứng tỏ ông ta thống nhất đất nước vì tham vọng quyền lực chứ không phải thương dân". 


Năm Sơ Bình thứ mười đời Hán Hiến Đế (200, Đông Hán), Lưu Bị ( tự Huyền Đức 懸德) thua trận bèn đến chổ Viên Thiệu (袁紹, tự Bản Sơ 本初) xin hàng. Viên Thiệu được Lưu Bị làm vây cánh bèn phát binh giao chiến với Tào Tháo (曹操, tự Mạnh Đức 孟德), đóng đại quân ở Lê Dương. Viên Thiệu còn sai thủ hạ của mình là Trần Lâm (, tự Khổng Chương 孔章, ám chỉ văn chương xuất chúng) thảo hịch kể tội Tào Tháo. Trần Lâm là người Xạ Dương, quận Quảng Lăng, nay là Hoài An, tỉnh Giang Tô. Tương truyền, bài hịch này là áng văn điển hình về lối nghị luận, giọng văn vừa tao nhã, vừa hùng hồn, lập luận sắc sảo chặt chẽ, được coi là "Thiên cổ hùng văn" trong nền văn học cổ điển Trung Quốc.  


"Bài hịch truyền tận Hứa Đô, bấy giờ Tào Tháo đang bị chứng nhức đầu nằm trên giường. Tả hữu đem bài hịch vào trình, Tháo xem xong rợn tóc rùng mình, mồ hôi toát ra như tắm, khỏi cả nhức đầu, từ giường vùng dậy, ngoảnh lại hỏi Tào Hồng: "Ai làm bài hịch này?". Hồng nói: "Bài ấy nghe đâu của Trần Lâm soạn". Tháo cười: "Có văn hay phải có võ lược đi kèm, văn Trần Lâm tuy hay, nhưng võ lược của Viên Thiệu lại dở, thì làm thế nào?" (La Quán Trung - Tam Quốc Diễn Nghĩa).  


Sau khi Viên Thiệu thất thế, Trần Lâm đầu hàng Tào Tháo. Ngụy Vương coi trọng người tài bèn phong quan tước cho Trần Lâm, không truy cứu chuyện cũ, cũng không phủ nhận những chuyện mà Trần Lâm đã "hạch tội" mình (chắc là chuyện có thiệt rồi).  


Chuyện  bên Tây 


Cả thế giới ai cũng biết người Đức vốn đề cao tính nguyên tắc, tính kỷ luật và không biết đùa cợt. Đội bóng quốc gia Đức được mọi người gọi bằng biệt danh "Cổ xe tăng". Vậy mà ở Đức, người ta vừa thu thập những câu chuyện tiếu lâm truyền miệng thời Quốc xã để in thành sách (Từ trạng thái "chuyện" đã chuyển sang "truyện", oai chưa!). Những mẫu chuyện này cho chúng ta thấy thái độ của dân chúng Đức hồi đó đối với Hitler. Vào những năm 50, các nhà sử học Đông Đức cho rằng người dân Đức bị bộ máy tuyên truyền của Hitler "mê hoặc", nhưng những câu chuyện hài này cho thấy giới cầm quyền đừng ảo tưởng rằng dân chúng ngu muội, tuyên truyền thế nào họ cũng nghe theo. Trong chế độ độc tài hung bạo, khi người ta không nói, không có nghĩa là người ta đồng ý với luận điệu tuyên truyền đó, mà vì một lý do nào đó người ta không tiện nói thẳng vào mặt rằng: "Thôi đi mấy cha nội, nói láo vừa vừa nó, con nít nó còn không tin lời mấy cha đừng nói chi người lớn". Sự tồn tại dai dẳng, sức sống của chuyện tiếu lâm trong quán rượu, đường phố chính là bằng chứng cho thấy ngay cả khi Hitler cấm viết, cấm in, cấm đọc, cấm biểu tình thì thiên hạ vẫn không ngừng "thể hiện chính kiến", Hitler vẫn không thể "bịt mồm" thiên hạ, không thể cấm thiên hạ suy nghĩ và chán ghét cái chế độ độc tài phát xít do y dựng nên. 


Tôi xin trích dẫn ra đây hai câu chuyện tiêu biểu. Tất nhiên là  còn nhiều mẫu chuyện khác lắm, nhưng kể ra đây nhiều quá e lại làm khổ người đọc mất, các bạn có thể tìm thấy rất nhiều trên mạng Internet.  


Chuyện thứ  nhất: Hitler đi thăm một bệnh viện tâm thần. Các bệnh nhân đều giơ tay chào. Khi đến cuối hàng, y bắt gặp một người vẫn đứng duỗi tay. “Sao anh không chào như những người khác?”. Y quát. “Thưa ngài, tôi là y tá, tôi không bị điên!”. 


Chuyện thứ hai: Để thể hiện sự kiêu ngạo của những kẻ lãnh đạo trong chính quyền Đức quốc xã, một bức biếm hoạ vẽ Göring đang gắn một mũi tên vào dãy huân, huy chương trên bộ quân phục của y. Kèm theo đó là dòng chữ: “Xem tiếp ở trang sau”. 


Người Nga vốn hay nói và có óc khôi hài. Chuyện cười thời Xô Viết  ở Nga cũng hài hước không kém. Đơn cử như mấy mẫu chuyện dưới đây: 


1- Stalin quyết  định vi hành trong thành phố để xem công nhân sống như thế nào. Và, một lần ông bí mật rời khỏi Điện Kremlin. Ông rẽ vào rạp chiếu phim. Cuối chương trình, người ta tấu lên Quốc ca Liên Xô, còn trên màn ảnh xuất hiện hình ảnh to lớn của Stalin. Tất cả mọi người đứng dậy và bắt đầu hát - ngoại trừ Stalin vẫn tiếp tục ngồi, tự thỏa mãn. Một phút sau có một khán giả hàng ghế sau hướng đến Stalin và thì thầm vào tai ông ta: "Nghe này, đồng chí, tất cả chúng ta ai cũng cảm nhận được chính điều ấy, nhưng hãy tin tôi, cứ đứng dậy đi là an toàn nhất”. 


2- Một người chết phải xuống âm phủ mới thấy có hai địa ngục: Tư Bản và Cộng Sản. Ở địa ngục Tư Bản có đầy quỷ sứ hành hình tội nhân trong vạc dầu, dùng kìm búa tra tấn. Ông ta vội chạy sang địa ngục Cộng Sản thì chỉ thấy một hàng người rồng rắn. Xếp hàng mãi mới vào đến cửa thì thấy một ông già hình như là Karl Marx. "Ông có thể cho biết địa ngục Cộng Sản có gì khác?". Marx nói: "Cũng thế thôi, cũng toàn quỷ sứ luộc ông trong vạc dầu, rồi dùng dao kéo cắt da xẻ thịt ông". Người đàn ông nọ ngạc nhiên: "Vậy tại sao lại phải xếp hàng dài thế?". Marx buồn bã: "Nhiều khi chúng tôi thiếu cả dao và cả dầu, thậm chí không có cả nước nóng...". 


3- Leonid Breznev đang có chuyến thăm chính thức quốc gia tại Pháp và  người ta tổ chức một chuyến thăm quan-VIP giới thiệu Paris cho ông. Người ta giới thiệu những vẻ đẹp của Điện Elysé, còn ông, như mọi khi, vẫn giữ khuôn mặt như đá. Khi người ta giới thiệu cho ông những tuyệt tác của Luvr, ông chẳng hề có phản ứng, biểu hiện gì... Người ta đưa ông đến Khải Hoàn Môn, ông không hề một chút mảy may biểu hiện thích thú. Cuối cùng, đoàn xe chính thức tiến đến dưới chân Tháp Eiffel. Và ngay lúc đó Breznev kinh ngạc. Ông quay hướng sang các bạn Pháp và hỏi một cách sửng sốt:" Các bạn này, ở Paris có đến những 9 triệu dân...mà các bạn chỉ có chính xác đúng một tháp canh thôi à?". 


4. Ba người công nhân bị vào tù và hỏi nhau, vì cái gì. Người đầu tiên: "Tôi luôn luôn đi làm việc muộn mất năm phút, bởi thế người ta kết tội tôi tội phá hoại ngầm”. Người thứ hai: "Tôi luôn luôn đến sớm năm phút, bởi thế họ buộc tôi tội hoạt động gián điệp". Người thứ ba: "Tôi luôn luôn đi làm việc đúng giờ, bởi vậy họ kết tội tôi cái tội rằng tôi dùng sản phẩm Phương Tây". 


5- Có  một cụ ông đang chết trong một túp lều tồi tàn trên thảo nguyên. Tiếng gõ cửa nghe hung bạo vang lên. “Ai ở ngoài ấy đấy”- Ông già hỏi. “Tử Thần đây!”- Một giọng nói vang lên từ sau cánh cửa. “Lạy Chúa!” - Ông già nói - “Thế mà tôi nghĩ là K.G.B”. 


Chuyện  bên Ta 


Vào thế  kỷ 13, vó ngựa Mông Cổ tung hoành khắp Châu  Âu, đạo quân trường chinh của Thành Cát Tư Hãn  còn tràn xuống phương Nam "làm cỏ" cả Trung Hoa lục địa và lập ra nhà Nguyên. Tháng 12 năm Giáp Thân (1284), hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đại binh Thái tử Thoát Hoan nhà Nguyên tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế phải bảo vệ Vua và Thái Thượng hoàng lui binh về Vạn Kiếp (nay là vùng Vạn Yên, tỉnh Hải Dương), giao cho Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng cầm chân giặc ở Thiên Trường. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, lo sợ nói với Vương rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?". Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!". 


Hưng Đạo Vương hiệu triệu 20 vạn quân Nam,  thảo bài Hịch Tướng Sĩ (Dụ chư tỳ tướng hịch văn諭諸裨將檄文) đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Có ý kiến cho rằng quân ta chiến thắng quân Nguyên bởi lòng yêu nước cao độ, bởi sự đoàn kết, bởi người chỉ huy tài giỏi. Nhận xét này cũng đúng nhưng còn thiếu, nói thế thì hóa ra dân chúng cả Châu Âu và Trung Hoa người ta không yêu nước, không đoàn kết và không có người tài giỏi hay sao? "Trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim ghi rằng binh sĩ nghe lời hịch nức lòng, lấy mực xăm vào tay hai chữ : "Sát Thát" (giết quân Mông Cổ), và hết lòng chiến đấu chống giặc". Nhờ bài Hịch Tướng Sĩ mà khí thế quân ta lên cao, đánh đuổi được đoàn quân Nguyên Mông vô địch. bài Hịch Tướng Sĩ được coi là áng "Thiên cổ hùng văn" thứ nhất của nước Nam. 


Bài "Thiên cổ hùng văn" thứ hai là Bình Ngô đại cá(吳大誥) "là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt".  


Thế  kỷ 20, nhà cách mạng Phan Bội Châu quan niệm: "Cái nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang nước ta, đến nỗi một tên độc phu  và vài vạn kẻ dung nhân làm cá thịt trăm họ dân ta. Thế mà dân ta ngu ngốc khờ dại, không biết giành dân quyền, giữ quốc mệnh, chỉ ngày đêm lo hết lòng hết sức đem máu mỡ của mình cung đơn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt? Than ôi! Thật đáng thương thay”. Và cụ cũng viết: “Than ôi! Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay!”.  


Mở mang dân trí bằng cách nào đây? Đem mấy con số, mấy phép tính, mấy loại hóa chất, mấy phản ứng hóa học, mấy thứ máy móc cơ khí phương Tây nhét vào đầu của dân chúng thì có làm cho xã hội văn minh lên không? Xin thưa rằng không. Một Giáo sư Toán học đại tài vẫn bị coi là có tâm hồn ấu trĩ nếu ông ta thiếu kiến thức về xã hội. Nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân thành đạt... nhưng biết cách cư xử với người bạn đời khiến gia đình đổ vỡ, ông Dale Carnegie (tác giả quyển Đắc Nhân Tâm) gọi họ là "Những kẻ thất học trong hôn nhân". 


Văn chương phản ảnh hiện thực cuộc sống. Kiến thức về cuộc sống xã hội nhà Toán học chỉ có thể học được từ văn chương mà ra. Nhà thơ Tchya Đái Đức Tuấn và cụ Đồ Chiểu còn so sánh sự sắc bén của ngọn bút lông ngang ngữa với các loại vũ khí: "Lấy tài nghiên bút đọ đao cung", "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". 


Văn chương thời nay 


Những ai đã từng sống qua thời bao cấp hẳn còn nhớ mấy câu đồng dao truyền miệng châm biếm: "Lao động là vinh quang, Laang thang là chết đói, Hay nói là vô tù", "Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may ô (áo thun 3 lỗ) mới được phần may ô", v.v... Có một thời, văn chương bị xem là là thứ vô bổ, trò  giải trí tiểu tư sản, khi muốn đề cao bạo lực thì người ta coi cái gậy, cái đòn xóc tre "hơn nghìn trang giấy luận văn chương". Nói thì nói như thế, nhưng rõ ràng, văn chương ngầm được xem là thứ ghê gớm, đáng ngại, nguy hiểm. 


Ngày xưa, các "vụ án văn chương" (Văn tự ngục) thời nhà Thanh chỉ nổi tiếng trong phạm vi lịch sử nước Tàu, những "vụ án văn chương" ngày nay nhờ có Internet chỉ trong vài phút nổi tiếng khắp thế giới.  


Vì vậy, chúng ta hãy sử dụng văn chương để phục vụ đại đa số quần chúng nhân dân lao động theo tinh thần cách mạng của cụ Phan Bội Châu: "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh", không nên dùng văn chương như một thứ giải trí rẻ tiền, hay công cụ tuyên truyền sai sự thật để phục vụ quyền lợi của một nhóm người, một giai cấp nào đó trong xã hội.  


Một tác phẩm văn chương ra đời, thường được ví như là "đứa con tinh thần" của tác giả. Khai bút đầu Xuân Canh Dần, CL&ST tôi xin chúc tất cả những người Việt Nam yêu nước: "Vung bút nở hoa, Nhấn tay sát ác", công bằng bác ái sáng bừng trên bàn phím, sao cho mỗi đứa con tinh thần của chúng ta ra đời xứng với câu: "Hổ phụ sinh Hổ tử, Lân mẫu xuất Lân nhi".


Sài Gòn, Mùng 5 Tết Canh Dần 2010

Tạ Phong Tần




10/2/10

MÚA LÂN NGÀY TẾT Ở MIỀN TÂY

.

Múa Lân với người Việt thì không lạ. Từ Bắc vào Nam ở đâu cũng có múa Lân. Nếu ở vùng khác người ta "chơi nguyên băng" là Lân Sư Rồng thì dân Bạc Liêu chỉ chơi Lân kèm theo một nhân vật độc đáo khác gọi là ông Địa. 

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi độ Xuân về, nghe ngoài đường âm thanh tiếng trống "tùng xình cắc tùng xình tùng xình" là bọn trẻ con chúng tôi lại túa ra đường kêu nhau ỏm tỏi: "Đi coi múa Lân tụi bây ơi!". Hễ chổ nào có múa Lân, chổ đó người lớn, con nít đứng bu đầy chung quanh, vỗ tay, hít hà, nhún nhảy theo nhịp trống, cười rộ lên mỗi khi Lân hay Địa có những động tác hay, hài hước.  

Con Lân là  một trong số Tứ linh: Long Lân Quy Phụng. Trong các  đền thờ, miếu mạo ở miền Tây đều có  tượng Tứ linh gác cổng, chào khách, đội bia.... Hình dáng Lân dữ tợn, đầu lớn có sừng có vẩy, mắt sâu và to, tai to, trên trán có chữ Vương màu đen to tướng, miệng rộng đầy răng, râu dài rậm rạp, lông lá xồm xoàm, mình có vẩy mập mạp, chân ngắn có móng mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Ông Địa, không phải ông Thổ Địa, cũng không phải ông Địa Tạng Vương Bồ Tát, có người bảo là ông Địa giống ông Phật Di Lạc. Vì người đóng vai ông Địa đeo mặt nạ đầu hói, trán trợt, da dẻ đỏ hồng, khóe miệng có nốt ruồi to cười toe toét, bụng phệ to tướng (độn bụng), mình mặc áo dài đỏ, thắt lưng vải màu vàng, bắp chân quấn xà cạp, đi giày vải trắng, một tay cầm quạt đan bằng tre, một tay cầm nhánh lá.

Truyền thuyết kể rằng Lân rất dữ tợn, không ai dám đến gần. Lúc Lân đang ngủ, ông Địa cầm nhánh cỏ Linh chi đến gần dụ khị cho Lân ăn. Lân ăn cỏ thiêng xong, trở nên hiền lành, ngoan ngoãn. Từ "thú hoang", Lân được ông Địa "thuần hóa" thành "vật nuôi". Ông Địa đi trước, Lân nhún nhảy theo sau, Địa đi đâu thì Lân theo đó. Vì vậy, khi múa, mào đầu bao giờ Lân cũng tỏ ra hung hãn, nhảy bên này, táp bên kia, đá bên nọ lung tung. Sau đó Lân gật gà gật gù ngủ, ông Địa cầm quạt xuất hiện, đưa nhánh cỏ vào miệng Lân, lấy cái quạt tre vỗ vỗ vào đầu Lân. Lân đứng dậy, Lân và Địa cùng nhảy múa, trững giỡn, rồi Lân rập rình, rập rình đi theo ông Địa. Cảnh ông Địa vuốt ve, vỗ về Lân, Lân hớn hở hí hửng nhảy chân sáo theo ông Địa thể hiện một khung cảnh thanh bình, vui vẻ, tình cảm trìu mến giữa người và vật.

Theo các bậc cao niên ở quê tôi thì Lân có năm màu, chia làm năm bậc lớn nhỏ rõ ràng: Lân trắng, lân đỏ, lân vàng, lân xanh, lân đen. Lân trắng râu bạc được coi là cao cấp nhất, cỡ như Lân "Tù trưởng", Lân râu đỏ, râu vàng là Lân trung niên, chót nhất là Lân "thiếu nhi" râu đen. Thông thường, chỉ những đội Lân mạnh, kỹ thuật giỏi, võ nghệ giỏi mới dám đội đầu Lân trắng. "Yếu cơ" mà "chơi" Lân trắng thì bị Lân khác "thử sức" ngay, lần sau hết dám "trèo cao té đau" nữa. Lân đen đang múa ở đâu, thấy Lân râu bạc xuất hiện thì Lân đen phải làm động tác chào, lạy như chào bậc Trưởng bối trong làng.

Con Lân do hai người mặc quần có gắn lông dài và vẩy chui vào, người phía trước làm đầu Lân, người phía sau trùm miếng vải lên đầu làm đuôi Lân, lúc này bốn chân người trở thành bốn chân Lân. Hay nhất là hai người khác biệt nhau, nhưng khi tiếng trống nổi lên, Lân bắt đầu chuyển động nhịp nhàng, cử động hợp nhất, theo tiếng trống lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập như thác lũ tràn về, lúc nhẹ nhàng như mây bay gió thoảng, không còn phân biệt được đó là hai con người, mà chỉ thấy trước mắt một con vật to lớn sống động, tinh nghịch đáng yêu. Từng động tác nhảy, vờn, táp gió, lắc lư y như một con chó con lông xù đang đùa giỡn.

Lân múa  ở đình làng cầu cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu, đời sống thanh bình no ấm. Lân đi theo xóm, lân đến từng nhà múa đem Tài Lộc Phúc cho gia chủ. Bạc Liêu đa số là người Việt gốc Hoa, nên rất thích múa Lân. Tết là dịp làm ăn phát tài nhất của các đội Lân. Sau tiếng pháo giao thừa rộn ràng thì các đội Lân lớn nhỏ túa ra đình, chùa, làng xóm. Không phải đợi chủ nhà kêu thì Lân mới vào, ông Địa đi trước, dẫn Lân theo sau, “cha con nhà nó” cứ "tự nhiên như Lân" lừng lững tiến vào từng nhà nhảy múa rộn ràng, lạy bàn thờ gia tiên, múa đủ bài bản, nhảy lên lấy tiền thưởng rồi trở ra sang nhà khác. Thông thường thì thấy Lân gần đến, gia chủ đã chuẩn bị sẳn xâu tiền treo lên cao phía trước nhà để thưởng. Gia chủ nào khá giả, giàu có, treo tiền thưởng thiệt nhiều, thiệt cao; lúc này ông Địa và “cái đầu Lân” cùng với “cái đuôi Lân” trổ tài “trồng người để cố lấy phần thưởng cho bằng được. Luật chơi là người làm đầu Lân phải điều khiển Lân vừa múa theo đúng nhịp trống, vừa há miệng táp giật phần thưởng xuống. Thường thì ông Địa có vai trò cản trở Lân lấy tiền thưởng, cũng có trường hợp Địa chơi ăn gian, trèo lên cổ Lân đứng rồi thò tay giật lấy tiền thưởng cho dễ. Cũng có khi gia chủ chơi xấu treo tiền  thưởng mà cứ giật lên giật xuống nhử nhử như câu cá, ông Địa "láu cá" nhảy lên đu nhánh cây xuống cho Lân thò tay chộp tiền thưởng, chớ hổng thèm dùng miệng táp nữa.

Nhiều lúc, chủ nhà chưa kịp chuẩn bị mà Lân  đã vào rồi thì phải vội vội vàng vàng đi tìm cái que tre để cột tiền vào que cầm giơ lên cho Lân "ăn", cứ nhốn nha nhốn nháo rất buồn cười. Nhà nào lỡ kẹt tiền quá, hay từ giao thừa cho đến mấy ngày mùng  Lân vào nhiều lần quá rồi, bị thủng túi rồi, nghe tiếng trống múa Lân thì vội vàng đóng chặt cửa. Đố nhà nào dám đuổi Lân, vì như thế là đuổi Tài duổi Lộc đó nghen. 

Sau nhà  tôi có cái nghĩa địa cổ của gia tộc  ông Hội đồng Trần Trinh Trạch. Mùa nắng, đất khô  ráo, cây cỏ mọc lúp xúp, có rất nhiều bướm nhỏ màu vàng hoa cúc bay chập chờn, chập chờn quanh đám cây. Tôi có nuôi một con chó trắng bông đen, giống Nhật lai chó ta, nên nó vừa lông lá xồm xoàm, vừa nghịch ngợm, nhanh nhẹn, láu lỉnh, nhìn nó cũng giống một con Lân con lắm, tôi đặt nó tên là con Băm Chằn. Lúc một tuổi,  ngày nắng thì nó thường ra nghĩa địa nhảy nhót "hái hoa bắt bướm". Nó ngồi im trong bụi cây rồi bất thần nhảy lên táp một phát vào con bướm. Hoặc nó quỳ hai chân trước xuống, nhỏng cái đít lên, đầu và mỏ sát đất, nó bò nhẹ nhẹ từ từ đến gần con bướm, bất thình lình nó nhảy phắt lên, giơ bàn tay lông lá của nó ra chộp một phát. Thường thì Băm Chằn táp hụt, và vồ hụt. Hoặc nó nhảy tưng tưng, chồm chồm lên, xông xông đến con bướm, ra vẻ tức tối vì con bướm cứ thản nhiên bay lượn chấp chới trước mặt mà nó không làm gì được. Em gái tôi xem múa Lân xong về nhà nó nói: "Cái này nó múa Băm, coi múa Lân cũng giống như về nhà coi con Băm nó múa hà. Coi múa Lân mắc chen lấn mệt quá!". Nói thì nói vậy, nhưng hễ nghe tiếng trống thì cả người lẫn chó lại nháo nhào chạy ra. Chủ chạy trước, hai ba chú chó đùng đùng chạy theo sau, nhặng xị cả lên.

Người Việt dù cho đi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến Xuân về, hễ nghe tiếng trống múa Lân thì trong lòng lại hớn hở rộn ràng, chân muốn bước ra đường, mà thiếu tiếng trống múa Lân thì lại nghe quay quắt một nỗi nhớ bâng khuâng.

Tạ Phong Tần
Your browser may not support display of this image.  


Lân con chơi bóng
.



7/2/10

BONG BÓNG ƠI !



Lâu lắm rồi, cái thời mà cả thị xã Bạc Liêu chỉ có hơn chục chiếc Honda 67, ai có cái xe ấy nhong nhong ngoài đường thì được coi là  giàu có, oai vệ lắm. Cái ăn, cái mặc hằng ngày thiếu thốn trăm bề. Ngày Tết, trẻ con chơi bong bóng, người lớn cũng chơi bong bóng, niềm vui duy nhất lành mạnh, rẻ tiền là bong bóng. Những chiếc bong bóng xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu được bơm căng tròn, không phải bóng bay vì ngay cả khí đá để bơm bóng cũng là "của hiếm". Bóng bơm xong, vẽ hình lên, gắn vào cái que tre cầm tay dong chơi khắp trong nhà ngoài ngõ.  

Tết là  dịp cả nhà tôi cùng ra đường bán bong bóng vẽ  để kiếm thêm chút tiền cho tôi sau Tết lên Sài Gòn học. Trước Tết khoảng vài tháng, gia đình tôi ở quê  bắt đầu chuẩn bị cho mùa bong bóng bằng cách chẻ tre vót những cái que cỡ chiếc đũa trở lên, tùy theo bóng lớn hay bóng nhỏ mà que dài hay ngắn. Đi nhặt căm xe đạp hư người ta liệng bỏ ở mấy "tiệm sửa xe" vĩa hè đem về bẻ thành hình cái khóa cột chặt vào que tre. Bong bóng bơm lên, dùng hai ngón tay lận ngang, thắt lại (không cần cột dây thun) tròng vào cái khóa là quả bóng nó đứng vững trên cái que, gió thổi cũng chỉ lung lay nhè nhẹ chớ không hề bị quặt qua quặt lại.  

Tôi đi học ở Sài Gòn, trước khi về quê ăn Tết có "trách nhiệm" đạp cái xe cà tàng qua ngã ba Ông Tạ lùng sục vào những con hẽm nhỏ ngoằn ngoèo để tìm mua bong bóng hiệu Thanh Dung chính hãng đem về nhà. Hồi tôi còn nhỏ xíu, trước năm 1975, tôi đã nhìn thấy nhãn hiệu bong bóng này rồi. Bây giờ, cũng vẫn bong bóng hiệu ấy, nhưng mua ở chợ, mua trong cửa hàng Nhà nước thì bơm nó không lên, cố mà bơm thì một là nó nổ cái đùng, hai là nó cho ra cái bong bóng nhỏ xíu màu tái mét, nhợt nhạt, lớp cao su mỏng dờn nhìn xuyên thấu từ bên này sang bên kia, không thể vẽ hình lên được. Hãng sản xuất, sau số lượng phải giao cho cửa hàng Nhà nước thì họ làm chui để bán lậu bên ngoài. Cái thứ gọi là "hàng chui" này "chất lượng vượt trội", cao su dày, dẻo dai, màu sắc rực rỡ, tươi sáng làm sao. Thành thử, mình có tiền đi mua hàng mà dấm dúi, lén la lén lút đi theo người bán chui ra chui vào trong mấy cái ngõ nhỏ ngoằn ngoèo như đi ăn trộm. 

Môn "công phu" vẽ hình lên bong bóng tôi "thọ giáo" từ chú Sanh quê ở Quảng Nam vào Bạc Liêu lập nghiệp. Khi cả nhà chú chuẩn bị  thu vén về quê, thấy tôi thường đứng xem chú vẽ hàng giờ, chú bèn truyền "bí kíp" lại cho tôi trong ba ngày. "Bí kíp" thứ nhất của môn "công phu" này là chọn bút, pha màu. Bút vẽ là loại bút lông thỏ mấy ông thầy Tàu dùng để viết chữ Nho, ngâm nước cho đầu bút toe mềm keo trong lông thỏ ra hết rồi cột dây treo lên cho khô mà không để đầu lông toe ra. Màu bột thì có 5 màu chính là đen, trắng, xanh dương, đỏ, vàng, pha với nước và keo sao cho vừa tay, màu khi vẽ lên bóng không bị chảy, không đóng cục. Tùy theo lúc mình vẽ cái gì mà "biến tấu" màu sắc thành nhiều sắc độ khác nhau. "Bí kíp" này mới ở "tầng thứ nhất", chưa là gì cả, muốn "đả biến thiên hạ" thì phải luyện thêm "tầng thứ hai" là "công phu" cầm bút, tạm gọi là "cầm nã bút thủ". "Cầm nã bút thủ" là một tay cầm quả bóng, một tay cầm cái bút chấm vào lọ màu, quẹt nhoay nhoáy liền tay trên quả bóng, đổi màu tốc hành, trong vòng 1 phút xong một bức tranh nho nhỏ kiểu thủy mặc của Tàu, gọi là "tốc họa". "Công phu" của "cầm nã bút thủ" là lực ở tay, tay cầm bút vừa đủ cứng để nét vẽ mạnh mẽ, phóng khoáng, dứt khoát, vửa đủ mềm để nét vẽ uốn lượn mượt mà, không bị sần sùi, răn, đóng cục. Cầm bút lông khó hơn cầm bút bi, bút sắt, bút chì viết chữ ở chổ bàn tay người cầm không có chổ để tì (lên mặt bàn) làm điểm tựa, mà điểm cầm nằm “phiêu phiêu” ngay phần giữa cán bút, điều khiển ngòi bút chuyển động bằng lực cổ tay, cổ tay cứng quá thì nét vẽ không thể mềm mại, uốn lượn, nét thanh nét mảnh không đều. 

Tôi hỏi chú Sanh: "Sao mình chỉ được vẽ trong một phút hả chú?". Chú Sanh cười hì hì  bảo: "Vẽ lâu quá làm sao có bóng mà bán cho khách hả con. Người ta đâu ở không đứng chờ mình hoài, phải nhanh tay để lượm tiền được nhiều người chớ. Cho nên, mình chỉ vẽ cái tổng quát, không vẽ chi tiết, phải biết vẽ ăn gian làm sao mà người ta không biết là mình ăn gian". Vì vậy, "công phu tầng thứ 3" có thể gọi là "bí kíp vẽ ăn gian". (Bằng hữu nào muốn học pho bí kíp này phải bái tại hạ làm sư phụ, có lễ vật cúng tổ đàng hoàng thì tại hạ mới thâu nhận và truyền thụ cho. Tạm thời lễ vật gồm có những gì thì tại hạ chưa nghĩ ra, lúc nào có đệ tử bái sư tại hạ mới thông báo luôn một thể). Tôi hỏi: “Sao mình không vẽ tranh to hơn bàn tay vậy chú?”. Chú Sanh nói: “Ngu sao vẽ bự cho nó… hao màu của mình. Vẽ bự thì phải vẽ chi tiết hơn, vừa khó, vừa mất thời gian. Chú nói bàn tay là bàn tay của con, chớ bàn tay chú thì phải vẽ bằng một nửa thôi”. Quả là những “bí kíp” này không nói ra thì khách hàng không thể biết. 

Vẽ bong bóng ngoài đường phố vui lắm. Tôi vừa "hạ  gọng" bộ đồ nghề ra là y như có  một đám đông người lớn trẻ nhỏ xúm xít vây quanh, mắt nhìn chăm chú theo nét cọ, trong phút chốc có ngay bức tranh nho nhỏ bằng bàn tay trên cái bong bóng. Mỗi lần vẽ xong một cái, cắm lên giá là có người mua ngay, thậm chí tranh nhau ỏm ỏi mua trước để cầm đi khoe. Ai mua được bóng trước thì cầm giơ lên cao, ưỡn ngực đưa tay vạch đám đông chen ra ngoài, ra chiều hỉ hả lắm, tôi nhìn theo mà không nhịn được cười. Tôi chỉ việc vẽ hết quả bóng này đến quả bóng khác, bán bóng, lượm tiền thì có mẹ tôi và mấy đứa em tôi. Ngày Tết, bọn trẻ mua bong bóng, chúng thích màu sắc sặc sỡ, vui mắt nên thường đòi tôi vẽ cho chúng con gà, con công, con chim, con thỏ, con cọp, con vịt, con ngỗng... Người lớn thích mua vì cái tên bức tranh để "lấy hên" hơn là mua vì chính bức tranh. Cho nên, những quả bóng to như cái thúng thì thường vẽ rồng, vẽ phụng, vẽ cảnh đồng quê, trăng thanh gió mát... Nếu vẽ hai con chim cho cái mào cao cao, cái đuôi dài dài uốn lượn sặc sỡ một chút thì gọi là "Loan Phụng Hòa Minh", vẽ ba con ngựa cùng phi về một hướng thì gọi là "Tam mã Tranh Phi"; vẽ một con rồng, ngoái thêm chút màu xanh làm nước thì gọi là "Giao Long Hí Thủy", vẻ hai con rồng châu đầu vào nhau thì gọi là "Lưỡng Long Tranh Châu", vẽ thêm một chút nước trắng trắng phun phun ra từ miệng rồng thì gọi là "Long Vương Hóa Vũ", v.v... Thật ra thì vẽ gà, vẽ chim, vẽ phụng hay vẽ ngựa, vẽ cọp thì cái sườn cơ bản nó chẳng khác nhau là mấy. Cho nên, nghĩ ra những cái tên thật "hoành tráng" cho bức tranh, khách hàng nghe qua như bị chưởng lực đánh trúng, trong phút chốc "xây xẩm mặt mày" mà móc tiền ra mua cũng nên gọi là "công phu tầng thứ 4" vậy.
  
Nắng sớm vàng ruộm trên đường, gió xuân nồng nàn hương biển, hòa cùng những chiếc bong bóng đủ màu xinh xắn theo chân mọi người đi khắp phố phường, tuy đơn sơ nhưng gợi lên hình ảnh yên ả, thanh bình, đơn sơ, giản dị, chân chất của người dân quê lúa. 

Nhiều năm rồi, ngày Tết tôi không ra phố bán bong  bóng vẽ. Tết bây giờ tôi cũng không thấy ai bán bong bóng vẽ. Tôi vẫn thấy ngoài phố bán các loại bong bóng sặc sỡ, đẹp đẽ hình con bướm, hình quả tim, hình cá heo... nhưng đó là bong bóng vải cao su, hình ảnh in sẳn, sản xuất hàng loạt giống nhau, được bơm khí đá căng phồng chỉ chực chờ gió thổi mạnh đứt dây là tốc bay lên trời cao. Không như bong bóng vẽ, mỗi chiếc bóng, mỗi bức tranh đều khác nhau, không bức tranh nào giống bức tranh nào, tranh "bốc" hay "chìm" tùy vào tâm tình, hứng thú của người cầm bút. Vì vậy, không có ai đứng vây quanh xe bán bong bóng với ánh mắt chờ đợi, háo hức; không có những tiếng kêu ồ lên kinh ngạc, vui vẻ khi vừa hoàn thành một bức tranh; không có ai hí hửng khi chỉ cần vài đồng lẻ đã có cái bóng và bức tranh vẽ theo ý muốn của mình. Ngày Tết, tôi đi ngoài đường ngắm nhìn những chiếc bóng bay vải cao su đẹp, lung linh, rực rỡ mà đứng lặng lẽ, chơ vơ, thiếu đi cái không khí vui tươi, hồ hởi vây quanh chiếc xe đạp bán bong bóng vẽ.  

Trẻ  con quê tôi bây giờ chúng không thích chơi bong bóng mà thích các rô-bốt chạy pin phát ra những âm thanh ì.. ì.. chéo... chéo váng hết cả đầu, thanh niên nam nữ quê tôi bây giờ không thích đi chơi với trái bóng to có vẽ cảnh đôi nam nữ đứng ngắm trăng hay Long Lân Quy Phụng mà thích vào quán bar hơn. Nhịp sống vội vàng hơn, nói chuyện với nhau như phim Hàn, chào nhau theo kiểu Hàn, ăn mặc theo kiểu Hàn, tối tối xem phim Hàn và rất nhiều thứ Hàn Hàn khác nữa. Phim Hàn dĩ nhiên không có làng quê biển như Bạc Liêu, không có những giọng cười vô tư như sóng biển và không có những chiếc bong bong vẽ. Tự lúc nào, khi nhớ về những kỷ niệm xưa thì tôi lại thèm nghe tiếng gọi: "Bong bóng ơi!". 

Tạ Phong Tần
.